top of page

NHỮNG XU HƯỚNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 2022

Trong năm 2022, ngành công nghiệp sản xuất tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19 và xung đột địa chính trị diễn ra tại một vài khu vực trên toàn thế giới. Do vậy, các doanh nghiệp cần định vị các rủi ro tiềm tàng để khôi phục và đẩy mạnh tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Trong một báo cáo “2022 Manufacturing Outlook”, được thực hiện bởi công ty Deloitte, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất quốc tế dự báo 05 xu hướng sản xuất toàn cầu như sau:

1. Chiến lược phát triển nhân sự:

Ước tính công nghiệp sản xuất tại một số quốc gia phát triển sẽ thiếu hụt 2,1 triệu lao động có tay nghề và kỹ năng cao vào năm 2030. Để thu hút và giữ chân nhân tài, các nhà sản xuất nên kết hợp các chiến lược như đào tạo lại cũng như chiến lược thăng tiến hiệu quả. Các nhà quản trị tại các công ty sản xuất cũng cần phải tăng cường tương tác với hệ sinh thái nhân tài rộng lớn, nhất là từ các trường đại học hoặc viện đào tạo nhằm tiếp cận các cá nhân xuất sắc từ sớm. 38% các lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và các năm sau, trong khi đó 31% ưu tiên phát triển các chính sách nhằm nuôi dưỡng đội ngũ lao động.


2. Đa dạng chuỗi cung ứng:

Sự đứt gãy trong các mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các nhà quản trị doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với các thách thức khi dòng nguyên liệu cũng như sản phẩm liên tục bị gián đoạn do dịch bệnh cũng như xung đột vũ trang trên thế giới. Sự bất ổn chuỗi cung ứng gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp gồm chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển hàng hóa tăng cao, và tình trạng chậm, hủy đơn hàng, v.v. Những thách thức về lưu thông hàng hóa có thể sẽ tiếp diễn vào năm 2023, bao gồm tình trạng thiếu tài xế trong vận tải đường bộ và tắc nghẽn tại các cảng container. 41% các lãnh đạo khảo sát cho rằng doanh nghiệp của họ cần phải đa dạng hóa nguồn cung trong những năm tiếp theo, trong khi đó 53% các CEO cho rằng mô hình cung-cầu của công ty họ cần được tối ưu hóa thông qua việc áp dụng các công nghệ thuật toán máy tính.


3. Vận hành các nhà máy thông minh:

Doanh nghiệp sản xuất cần phải triển khai công nghệ số để có thể phát triển và duy trì lợi nhuận từ bộ phận quản trị đến bộ phận sản xuất. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để vận hành nhà máy thông minh đóng vai trò chiến lược trong sự cạnh tranh toàn cầu. Nhiều tổ chức đang đạt được bước tiến lớn và gặt hái kết quả từ các quy trình sản xuất hiện đại được kết nối, đáng tin cậy. Đầu tư vào công nghệ mới như robots, cobots trí thông minh nhân tạo tiếp tục thay đổi cách thức các nhà máy vận hành. Các công nghệ nền tảng như điện toán đám mây, kết nối 5G sẽ được dự đoán tiếp tục tăng trưởng trong các thập kỷ tới. Hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới đến năm 2025.


4. Sẵn sàng đối phó với những rủi ro từ quá trình kỹ thuật số:

Việc trang bị các thiết bị sản xuất hiện đại kết nối với mạng máy tính tốc độ cao sẽ tạo cơ hội cho các tội phạm công nghệ cao xâm nhập và gây nguy hại cho các nền tảng doanh nghiệp từ hoạt động đến năng suất sản xuất. Do đó, các nhà sản xuất không chỉ cần tăng cường hoạt động bảo vệ không gian số mà còn cần sẵn sàng trong việc hồi phục nhanh chóng sau khi bị tấn công. Mỗi năm chi phí vận hành hệ thống an ninh thông tin tại các doanh nghiệp sản xuất gia tăng 10%.


5. Sản xuất gắn liền với các yếu tố bền vững:

Hơn bao giờ hết, việc nâng cao các giá trị bền vững như môi trường, xã hội và quản trị trong các hoạt động sản xuất đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Rất nhiều các nhà máy của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới hiện đang có lộ trình cam kết mục tiêu giảm phát thải về không. Hơn 95% các lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đang có kế hoạch phát triển các chương trình thúc đẩy các yếu tố bền vững trong và ngoài doanh nghiệp.


Trong môi trường sản xuất toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, các doanh nghiệp sản xuất cần phải kết hợp các giải pháp công nghệ hiện đại và các yếu tố bền vững để bảo đảm lợi thế cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp luôn yêu cầu đội ngũ nhân viên vừa có định hướng chiến lược, vừa phải sáng tạo và có tư duy kinh doanh. Để vượt qua những thử thách gây ra do dịch bệnh, xung đột và nắm lấy cơ hội phát triển trong nền kinh tế toàn cầu hóa, cần phải có những nhà lãnh đạo thành thạo công nghệ với tư duy quốc tế ngày càng gia tăng.


Nắm bắt được nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới, trường ĐH Việt Đức (VGU) hợp tác với Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin) , CHLB Đức triển khai đào tạo chương trình Kỹ thuật Sản Xuất Toàn cầu (GPE) tại Việt Nam. Chương trình tập trung vào đào tạo và chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật sản xuất hiện đại cũng như các công cụ quản lý sản xuất tối ưu cho các thế hệ kỹ sư, các nhà quản lý công nghiệp tương lai. Hiện tại, chương trình đã đạt được chuẩn kiểm định ZEvA của Châu Âu.



Thu Sep 08 2022 03:00:00 GMT+0000 (Coordinated Universal Time)

VGU MSR

THÔNG BÁO TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2024

Đối tác mới của VGU: Đại học Khoa học Ứng dụng Neu-Ulm

TÀI NGUYÊN NHẬN THỨC - YẾU TỐ ĐỂ TĂNG NĂNG SUẤT CÔNG VIỆC

TRẢI NGHIỆM TẠI ĐỨC CỦA BẠN NGUYỄN PHAN HUYỀN NHẠN - SINH VIÊN TRAO ĐỔI NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

BÍ QUYẾT SẢN XUẤT CỦA TOYOTA TRONG NHỮNG NĂM ĐẠI DỊCH COVID-19

bottom of page