top of page

BUỔI ĐI THỰC TẾ ĐẦU TIÊN CỦA NGÀNH KIẾN TRÚC

Ngành Kiến trúc trường Việt Đức luôn mang phương châm giảng dạy và đào tạo hướng đến thực tiễn để sinh viên có thể vận dụng những kiến thức kiến trúc vào những vấn đề xã hội và môi trường.

Vì vậy, với mục đích định hướng và tạo cảm hứng trong cộng đồng sinh viên Kiến trúc, các giảng viên và ban đại diện của khoa phối hợp tổ chức một buổi học tập thực tế đầu tiên cho ngành. Buổi học được thực hiện vào một ngày 28/12, một ngày cuối năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có xu hướng thuyên giảm. Buổi họp có sự góp mặt tổ chức của trưởng khoa-giảng viên cô Hương và thầy Nghĩa và tiến sĩ Trần Hoành, một kiến trúc sư kì cựu, đồng thời là giảng viên của khoa Kiến trúc trường Việt Đức, bên cạnh đó còn có sự tham gia của 20 bạn sinh viên Kiến trúc niên khóa 2020 và 2019. Buổi học tập chỉ kéo dài trong một buổi sáng nhưng tất cả sinh viên Kiến trúc được truyền một nguồn cảm hứng vô tận không chỉ về ngành học của mình, mà còn về văn hóa, nghệ thuật và lối tư duy đặc thù của kiến trúc.

Buổi học được bắt đầu tại Marou Coffee, đường Xuân Thủy, Thảo Điền, quận 2. Tại đây, các sinh viên được nghe kiến trúc sư Trần Hoành giới thiệu và mô tả quá trình lên ý tưởng, thiết kế và thi công công trình Marou, một tác phẩm đầy tâm đắc của thầy. Trong đó thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp nhịp nhàng giữa kiến trúc sư và kĩ sư thi công cùng chủ nhà. Các sinh viên được tận mắt quan sát những chi tiết kiến trúc của công trình và ý nghĩa của chúng. Điều mà thầy Hoành muốn truyền tải qua việc giới thiệu công trình Marou chính là cách bố trí, tạo dựng không gian đặc biệt phù hợp với người sử dụng căn nhà, đồng thời thể hiện được ý chí, bản chất của chủ đầu tư, cụ thể là thương hiệu socola Marou Việt Nam. Thầy Hoành cho rằng mỗi chi tiết trong một công trình cần thể hiện một ý nghĩa, một ý tưởng, một mục đích không gian tác động tích cực con người, và với vai trò của một kiến trúc sư, các sinh viên cần tìm hiểu và học hỏi từ nhiều nguồn, không chỉ từ các công trình khác, mà còn cả lối tư duy và trường liên tưởng văn hóa và nghệ thuật rộng lớn, và trong bối cảnh công trình Marou, điều mà các nhà thiết kế cần lưu ý chính là những kiến thức về cà phê, quy trình làm socola, bộ mặt và mục đích mà thương hiệu Marou muốn truyền tải.

Địa điểm tiếp theo của cuộc hành trình thực tế là Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại The Factory, một công trình nữa của thầy Trần Hoành. Công trình được thi công phối hợp với họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, người sáng lập ra The Factory, Tia - Thủy Nguyễn. Tại The Factory, sự liên hệ giữa nghệ thuật và kiến trúc được nhấn mạnh rõ ràng. Các chi tiết của công trình thể hiện chức năng trưng bày và các không gian mang tính phá cách. Bản thân Bảo tàng Factory là một công trình nổi bậc mang vóc dáng biểu trưng, nhưng qua giải thích đầy chi tiết và tâm đắc của kiến trúc sư Trần Hoành, các sinh viên được mở rộng tầm mắt, hiểu nhiều hơn không chỉ về quá trình lên ý tưởng mà còn cả những khó khăn mà các nhà thiết kế phải đối mặt và giải quyết.

Kết thúc buổi học, thầy Hoành dẫn cả đoàn đến Kiến trúc O, một công ty kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam, được sáng lập và điều hành bởi KTS Đàm Vũ, đồng thời là giảng viên kì cựu của trường Đại học Kiến trúc, và cô Lê An Ni. Cả đoàn được thầy Vũ hướng dẫn và giới thiệu chi tiết về quá trình nhận dự án, lên ý tưởng, triển khai ý tưởng và hoàn thành thiết kế. Các sinh viên được xem qua các công trình, mô hình kiến trúc, bản vẽ ý tưởng và những nguồn cảm hứng khơi gợi sáng tạo cho các nhà thiết kế tại Kiến trúc O. Cuộc gặp gỡ với thầy Vũ là một cơ hội to lớn giúp sinh viên cụ thể hóa những giai đoạn thiết kế, cách tư duy và tìm kiếm ý tưởng. Theo thầy Vũ, giai đoạn thiết kế là quá trình cực kì quan trọng, thú vị nhưng gian nan, chỉ bắt đầu bằng một tờ giấy trắng và cây viết chì, nhưng lại kết thúc bằng một công trình có đầy đủ công năng lẫn mĩ thuật. Trong quá trình đó, người thiết kế phải luôn học hỏi và luôn tìm hiểu. Thầy nhấn mạnh rằng vẽ là một kĩ năng cần thiết, dù hiện nay có sự hỗ trợ của các phần mềm thiết kế, việc lên ý tưởng bằng việc vẽ tay và làm mô hình giấy là không thể bỏ qua.

Buổi học thực tế chỉ kéo dài trong một buổi sáng nhưng những trải nghiệm đầu tiên đã gây ấn tượng sâu sắc tạo cảm hứng cho các sinh viên tham gia. Khoa Kiến trúc hứa hẹn sẽ đem đến cho các sinh viên nhiều chuyến đi thực tế, họp báo khách mời đặc biệt để định hướng, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với những vấn đề thực tiễn của ngành học.

Thu Feb 24 2022 02:30:00 GMT+0000 (Coordinated Universal Time)

VGU MSR

THÔNG BÁO TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2024

Đối tác mới của VGU: Đại học Khoa học Ứng dụng Neu-Ulm

TÀI NGUYÊN NHẬN THỨC - YẾU TỐ ĐỂ TĂNG NĂNG SUẤT CÔNG VIỆC

TRẢI NGHIỆM TẠI ĐỨC CỦA BẠN NGUYỄN PHAN HUYỀN NHẠN - SINH VIÊN TRAO ĐỔI NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

BÍ QUYẾT SẢN XUẤT CỦA TOYOTA TRONG NHỮNG NĂM ĐẠI DỊCH COVID-19

bottom of page